Đa ngôn ngữ ở trẻ em - chia sẻ về dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ
- embemontessori
- 24 thg 5, 2021
- 5 phút đọc

Một chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bố mẹ và nhiều bạn đã hỏi mình rằng làm sao để dạy con ngoại ngữ, dạy từ mấy tuổi, liệu có bị loạn ngôn ngữ không ạ....vv...
Sau đây mình xin chia sẻ những kiến thức mình đã học được, cùng kinh nghiệm cá nhân để bố mẹ có cái nhìn tổng quan về việc học nhiều ngôn ngữ cho các bé... khi nào có thời gian mình sẽ chia sẻ cụ thể từng bước dạy ngôn ngữ cho các bé...
Có nhiều lợi ích khi học nhiều ngôn ngữ ngay từ nhỏ, nhiều năng lực được nâng cao như khả năng suy nghĩ linh hoạt, sự tự chủ, khả năng tập trung và điều chỉnh sự phân tâm ( theo nghiên cứu của Bialystok & Martin, 2004; Zelazo, Carlson, & Kesek, 2008). Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng trẻ em song ngữ có trí nhớ tốt hơn so với trẻ chỉ nói một ngôn ngữ. Bộ nhớ lưu giữ, xử lý và cập nhật thông tin trong khoảng thời gian ngắn, góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề và phát triển chức năng điều khiển của cơ thể (Morales, Calvo, & Bialystok, 2013).
Sự khác biệt giữa người nói đa ngôn ngữ và người nói một ngôn ngữ tồn tại ngay cả ở cấp độ thần kinh. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mô hình phản ứng não của trẻ sơ sinh song ngữ đối với lời nói khác với trẻ sơ sinh có gia đình chỉ nói một ngôn ngữ. Trẻ em song ngữ cho thấy sự cải thiện liên tục trong việc phân biệt giữa hai ngôn ngữ, ví dụ tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh từ 9 tháng tuổi trở đi (Garcia-Sierra et al., 2011). Tăng cường tiếp xúc với cả hai ngôn ngữ giúp cải thiện khả năng phân biệt giữa hai ngôn ngữ.
Ví dụ bé nhà mình được tiếp xúc với 3 ngôn ngữ là tiếng Anh, Việt và Pháp từ 9 tháng tuổi. Mình nói với bé bằng Tiếng Anh, bố nói chuyện với bé bằng tiếng Việt và từ 9 tháng thì hàng ngày bé được một cô người Pháp trông (vì bố mẹ phải đi làm và không có ông bà trợ giúp). Bé liên tục tiếp xúc với 3 thứ tiếng như vậy, đến nay được hơn 2 năm, bé đã có thể phân biệt được đâu là tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp. Khi nói chuyện với mẹ bé chỉ nói tiếng Anh, với bố là tiếng Việt còn với cô giáo là tiếng Pháp. Khi đòi đọc 1 quyển sách mà bé biết là được viết bằng 2 thứ tiếng (bố và mẹ đọc bằng tiếng Việt và tiếng Anh) bé yêu cầu ngay “English please” hoặc “Vietnamese please”.
Sự thật về đa ngôn ngữ:

Sự thật 1
Em bé được sinh ra với khả năng phân biệt âm thanh độc đáo của bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới. Điều này bắt đầu giảm dần khoảng 8 tháng tuổi, khi não bắt đầu tạo ra các kết nối cần thiết để nhận biết và học ngôn ngữ mà chúng tiếp xúc thường xuyên nhất và chúng mất khả năng nhận biết âm thanh mà chúng chưa bao giờ nghe thấy.
Sự thật 2
Tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ trong những năm đầu KHÔNG gây nhầm lẫn cho trẻ nhỏ và trên thực tế đạt đến các mốc quan trọng về ngôn ngữ trong một khung thời gian tương tự với những trẻ chỉ học một ngôn ngữ. Tuy nhiên, thông thường người học đa ngôn ngữ sẽ mất nhiều thời gian hơn để thành thạo cả hai ngôn ngữ vì họ đang xây dựng và sử dụng hai hệ thống ngôn ngữ riêng biệt.
Sự thật 3
Trẻ em học ngôn ngữ thứ hai hoặc hai ngôn ngữ cùng một lúc sẽ thường xuyên “chuyển mã” hoặc sử dụng cả hai ngôn ngữ trong cùng một câu. Nó không phải là vấn đề trong quá trình học ngôn ngữ. Thay vào đó, điều này cho thấy trẻ em hiểu các quy tắc ngữ pháp của cả hai ngôn ngữ. Trẻ em thường sử dụng chiến lược này để làm rõ nghĩa của chúng theo cách đúng ngữ pháp. Rốt cuộc, nếu một trẻ em đa ngôn ngữ không biết từ liên quan trong ngôn ngữ mà trẻ đang nói, thì rất hợp lý nếu trẻ thay thế từ trong ngôn ngữ khác để truyền đạt ý nghĩa mà chúng dự định truyền đạt.””
Ví dụ thực tế nhất là Celine nhà mình khi nói chuyện với bố bằng tiếng Việt thường xuyên dùng một số từ tiếng Anh trong câu, như là “ Celine muốn đi ăn ice-cream”, từ “ice-cream” bé được tiếp xúc với tần số nhiều hơn rất nhiều so với từ “kem” trong tiếng Việt, tuy nhiên bố của cháu vẫn nhắc lại “Celine muốn đi ăn kem à”, bằng cách đó nàng ta hiểu “ice-cream” là “kem” trong tiếng việt. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần cho tới khi từ “kem” ăn sâu vào não bộ và một ngày Celien nói với bố “daddy, đi ăn kem đi”.
Sự thật 4
Điều quan trọng nhất khi nuôi dạy trẻ đa ngôn ngữ là trẻ em có mức độ tiếp xúc gần như nhau với đầu vào chất lượng cao trong mỗi ngôn ngữ, mỗi ngày - nói và nghe. Trong nhiều trường hợp, một ngôn ngữ trở nên chiếm ưu thế trong cuộc sống của một đứa trẻ. Ví dụ, nếu một đứa trẻ học tiếng Tây Ban Nha cũng như tiếng Anh, tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thống trị của trẻ con nếu đó là những gì bé nghe được cả ngày ở trường và ở nhà. Đây cũng là lý do tại sao nó rất quan trọng đối với các bậc cha mẹ sử dụng ngôn ngữ nói ở nhà càng nhiều càng tốt xung quanh con cái họ, nếu mục tiêu của họ là cho chúng trở thành song ngữ.
Sự thật 5
Các nghiên cứu cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa độ tuổi tiếp xúc với ngôn ngữ và sự thành công của trẻ trong việc học ngôn ngữ đó (Kuhl, 2011). Những người tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai ở tuổi ấu thơ hoặc khi còn nhỏ có khả năng thành công lớn hơn trong việc học ngôn ngữ đó.
Sự thật 6
Quan trọng không chỉ đối với trẻ nhỏ và cả người lớn, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc chuyển đổi giữa các ngôn ngữ liên tục giống như một bài tập thể dục cho não bộ, giúp não khỏe hơn và làm việc bền bỉ hơn, qua đó tăng tuổi thọ cho não và khả năng chống chọi với các loại bệnh tật.

Comments